Sinh con đúng chính sách, phụ nữ dân tộc thiểu số có thể hưởng "hỗ trợ kép"
Đăng lúc: 00:00:00 15/09/2024 (GMT+7)
Hiện nay nhà nước ta có nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) sinh con đúng quy định nhằm khuyến khích sinh con an toàn, giảm tỷ lệ sinh con sớm và sinh nhiều con, đồng thời nâng cao chất lượng dân số.
Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ người DTTS. Ảnh: Dương Ngọc
Có thể kể đến các nhóm chính sách như: Hỗ trợ tài chính, hỗ trợ y tế, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ về giáo dục và các nhóm chính sách hỗ trợ khác. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu 2 chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với phụ nữ DTTS khi sinh con đúng quy định.
Hỗ trợ một lần 2 triệu đồng cho phụ nữ DTTS thuộc hộ nghèo
Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Theo đó, phụ nữ là người dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn (trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) khi sinh con thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Sinh một hoặc hai con;
+ Sinh con thứ ba, nếu cả hai vợ chồng hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
+ Sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên;
+ Đã có một con đẻ, nhưng sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên;
+ Sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi;
+ Sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận;
+ Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ);
+ Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai vợ chồng đã có con riêng (con đẻ); không áp dụng cho trường hợp hai vợ chồng đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống;
+ Phụ nữ thuộc hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số chưa kết hôn, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, trừ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.
Định mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/người.
Thời điểm hỗ trợ: Tính từ tháng đầu sau khi sinh con thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Phương thức hỗ trợ: Bằng tiền, cấp trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng. Đối tượng thụ hưởng tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận hỗ trợ.
Khám bệnh cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Nam Khánh
Hồ Sơ, thủ tục
Hồ sơ xét hưởng chính sách hỗ trợ được quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2016/TTTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/4/2016. Theo đó, hồ sơ xét hưởng chế độ nêu trên gồm:
- Tờ khai đề nghị hỗ trợ kinh phí sinh con đúng chính sách dân số của đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ (theo mẫu cho trường hợp có và chưa có số định danh cá nhân). Trong trường hợp đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ không biết chữ, sức khỏe yếu, không tự khai được thì thân nhân trực tiếp của đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ thực hiện kê khai.
- Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp có kèm theo bản chính để đối chiếu một số giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng hỗ trợ theo quy định tại Điều 1 của Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, bao gồm:
+ Giấy đăng ký kết hôn đối với đối tượng hưởng chính sách là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số.
+ Kết luận của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương đối với trường hợp sinh con thứ ba nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền.
Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ, người hưởng chính sách hoặc người thân trực tiếp của người hưởng gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới Ủy ban nhân dân cấp xã.
Khi tiếp nhận hồ sơ, người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người gửi hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định. Trường hợp không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ ngay tại thời điểm đó thì người tiếp nhận phải lập thành văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện gửi người nộp hồ sơ.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ được ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã xác minh các tiêu chí áp dụng cho đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ; ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí; thông báo và thực hiện cấp kinh phí hỗ trợ cho đối tượng hưởng chính sách.
Trường hợp hồ sơ không bảo đảm điều kiện hỗ trợ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ được ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản thông báo cho người gửi hồ sơ.
Bị thu hồi nếu vi phạm cam kết
Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày phát hiện đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ đã nhận kinh phí hỗ trợ nhưng vi phạm cam kết, sinh thêm con trái chính sách dân số, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành Quyết định thu hồi kinh phí, gửi Quyết định và Thông báo thu hồi kinh phí cho đối tượng đã nhận hỗ trợ.
Trong thời gian 45 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định và Thông báo, đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ đã nhận kinh phí hỗ trợ nhưng vi phạm cam kết, sinh thêm con trái chính sách dân số có trách nhiệm hoàn trả kinh phí tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Kinh phí hoàn trả được nộp lại ngân sách nhà nước theo quy định.
Hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế
Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định:
Ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 86/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định 698/QĐ-TTg ngày 19/7/2024 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung và hiệu chỉnh danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng bảo hiểm y tế đối với đối tượng là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Khám bệnh cho phụ nữ DTTS tại Trạm Y tế xã Mường Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: Anh Đào
Có thể cùng lúc hưởng 2 chính sách?
Ngày 21/8/2024, Bộ Y tế có công văn số 4904/BYT-CDS gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công văn nêu:
Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 1/4/2024 của Văn phòng Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số bảo đảm thống nhất theo quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 và Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ. Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương cụ thể như sau:
+ Về đối tượng thụ hưởng: Nghị định 75/2023/NĐ-CP và Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng thụ hưởng đều là người dân tộc thiểu số đang sống tại đơn vị hành chính khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Về chính sách hỗ trợ: Đối với Nghị định số 39/2015/NĐ-CP là phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số được hưởng hỗ trợ là hai triệu đồng/người (hỗ trợ một lần); đối với Nghị định số 75/2023/NĐ-CP là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 698/QĐ-TTg ngày 19/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung và hiệu chỉnh danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế.
Vì vậy, việc quy định về chính sách hỗ trợ của hai Nghị định không có sự trùng lặp, chồng chéo, không thống nhất. Đối tượng thụ hưởng chính sách thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng tại Nghị định nào thì được áp dụng và thụ hưởng theo chính sách của Nghị định đó. Trường hợp đối tượng thuộc phạm vi áp dụng của cả hai Nghị định thì được hỗ trợ đồng thời theo quy định tại hai Nghị định.
Theo hướng dẫn trong công văn của Bộ Y tế, đối với phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc xã khu vực III dù đã được hưởng chính sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế từ ngân sách nhà nước, nếu sinh con đúng chính sách thì vẫn được hưởng mức hỗ trợ 1 lần là 2 triệu đồng theo qui định tại Nghị định 39/2015/NĐ-CP.
Nguồn: phunuvietnam.vn