Phụ nữ tham gia phong trào “Bình dân học vụ số”
Đăng lúc: 15:17:40 25/04/2025 (GMT+7)
Trong suốt chặng đường phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, đó là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Ảnh minh họa
Trải qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước luôn đặt sự nghiệp giáo dục là ưu tiên, luôn quan tâm xây dựng và phát triển giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Cho đến nay, khi đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì bình dân học vụ số nổi lên là một trong những bước đi đầu tiên trong công cuộc chuyển mình, đặc biệt là giáo dục con người trở thành công dân số, công dân toàn cầu, phù hợp với bối cảnh thời đại của đất nước và quốc tế. Trước tình hình đó mà phụ nữ Việt Nam cần phát huy bản lĩnh, vị thế của mình để phát huy sức mình đóng góp vào công cuộc cách mạng chuyển đổi số mạnh mẽ này luôn xứng với 8 chữ vàng mà Người đã dành tặng.
Ngay sau những ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”[1], đất nước ta trong tình cảnh vô cùng khó khăn không những phải đối mặt với giặc ngoại xâm mà còn là giặc đói, giặc dốt vì thế mà ngày 08-9-1945, Người đã ký sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để thanh toán nạn mù chữ cho nhân dân. Từ sắc lệnh này, phong trào Bình dân học vụ được nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng, ngày càng lan tỏa rộng khắp và tạo nên những hiệu quả tích cực. Và, đó cũng chính là lý tưởng, khát vọng suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cả đời tôi, tôi chỉ có một ham muốn tột bậc, dân tộc tôi được độc lập, đồng bào tôi ai cũng có cơm no, áo mặc, ai cũng được học hành”[2].
Đã 80 năm trôi qua kể từ ngày phát động phong trào Bình dân học vụ, đất nước đã sang trang, giáo dục nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu và đang từng bước khẳng định vị thế của mình, song những giá trị lịch sử và ý nghĩa văn hóa của phong trào vẫn không hề phai nhạt, phong trào Bình dân học vụ đã tạo tiền đề cho những thành tựu và sự phát triển của nền giáo dục nước nhà hôm nay.
Kế thừa, phát huy các giá trị của phong trào Bình dân học vụ, Bình dân học vụ được ra đời, triển khai trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, việc phổ cập tri thức số cho toàn dân đóng vai trò quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Vì thế mà Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được ban hành, trở thành nền móng chủ trương, pháp lý đầu tiên mở ra việc triển khai và phát triển phong trào Bình dân học vụ số.
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11[3] (2024) đã chỉ ra rằng: “Chúng ta xác định phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh… Có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát động thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”. Thực tế hiện nay, còn tỷ lệ lớn người dân, kể cả cán bộ trong cơ quan nhà nước chưa nắm vững về chuyển đổi số…Để thực hiện thành công Nghị quyết 57, yêu cầu nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra cấp thiết”. Chính vì thế mà phong trào “Bình dân học vụ số” ra đời với mục tiêu giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh lần nữa về tầm quan trọng của “Bình dân học vụ số”, mục tiêu và tầm quan trọng của phong trào tại buổi lễ phát động phong trào và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số”[4]: “Nếu chúng ta nhận thức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn cách mạng hiện nay thì không thể không nói đến xã hội số, quốc gia số và công dân số toàn diện, toàn trình; từ đó, không thể không có phong trào “Bình dân học vụ số”.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, vị trí, vai trò của phụ nữ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Trong bản Di chúc (bản viết năm 1968), Người đã viết: “…. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra chỉ tiêu trong đó Đến cuối nhiệm kỳ, 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội; 100% chi hội trưởng được tập huấn nghiệp vụ công tác Hội, với khâu đột phát là đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin[5]. Từ đầu nhiệm kỳ đại hội cho đến nay, nhiều phong trào hoạt động về ứng dụng công nghệ thông tin đã được triển khai, sang tạo trong cách nghĩ cách làm, tạo ra sự chấm phá đặc sắc trong phong trào của Hội.
Năm 2024, xác định chủ đề năm “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Cuộc thi “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt hội” năm 2024 và Hội thảo quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam”; chỉ đạo thí điểm mô hình “Tập hợp phụ nữ trên không gian mạng” là một trong những hoạt động thực hiện tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội và huyện Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng sử dụng mạng xã hội Facebook để thực hiện thí điểm mô hình[6]. Qua đó, phụ nữ đã chủ động trong công cuộc chuyển đổi số của quốc gia, vượt qua rào cản về giới cũng như còn nhiều khó khăn đặt ra trong bối cảnh vô cùng biến động hiện nay nhất là các nhóm yếu thế.
Trong thực tế, vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ mới bắt đầu mà nó đã diễn ra từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Để đối phó với những thách thức mà đại dịch gây ra, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã sang tạo, ứng dụng công nghệ số nhằm đảm bảo sinh kế của mình trong thời gian khó khăn trong và sau dịch bệnh. Ngoài ra phụ nữ còn là một trong là những đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi đại dịch xảy ra, nhiều người còn là lao động chính trong gia đình, hơn nữa theo nhiều báo cáo chỉ ra thu nhập của phụ nữ so với cùng một vị trí với đàn ông thì họ thường có thu nhập thấp hơn nên có thể nhận định dưới bối cảnh như vậy thì sẽ khó khăn đến mức độ như nào.
Chiếm hơn 50% dân số và gần một nửa lực lượng lao động, phụ nữ có tiềm năng to lớn trong việc tiếp thu và ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt đời sống – từ quản lý kinh tế gia đình, giáo dục con cái đến tham gia thị trường lao động và khởi nghiệp. Việc nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ sẽ giúp họ tự tin tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ chính phủ điện tử, cũng như tận dụng các cơ hội kinh doanh trên nền tảng số. Thực tế, Hội LHPN các cấp đã chủ động vận động hội viên tham gia các phong trào do Đảng, Nhà nước và địa phương phát động, đồng hành trong công cuộc chuyển đổi số ở cơ sở[7]. Hội LHPN các tỉnh, thành phố đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số và công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia; xây dựng cơ chế, chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản về thể chế nhằm hỗ trợ và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, công tác phổ cập kỹ năng số cho người dân.
Thời gian qua, phụ nữ Việt Nam đã tích cực hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số” và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều phụ nữ trẻ nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới, sử dụng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử (Facebook, Zalo, Shopee, v.v.) để kinh doanh, quảng bá sản phẩm, nâng cao thu nhập gia đình. Đáng chú ý, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội LHPN Phụ nữ đã phối hợp cùng doanh nghiệp triển khai dự án “Quán nhỏ vượt sóng to” nhằm hỗ trợ hàng trăm phụ nữ chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ nâng cao kỹ năng, “trao quyền” sử dụng công nghệ, mạnh dạn ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng kinh doanh[8].
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, thực tiễn cũng cho thấy không ít thách thức trong việc thu hút và hỗ trợ phụ nữ tham gia phong trào số. Một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ trung niên, cao tuổi hoặc ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi vẫn hạn chế về kỹ năng số và ít có cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin. Nhiều chị em tiểu thương, chủ doanh nghiệp nhỏ chưa thành thạo sử dụng các công cụ trực tuyến, dẫn đến hiệu quả kinh doanh bị hạn chế; không ít phụ nữ khởi nghiệp vẫn chưa bắt kịp với những hình thức kinh doanh hiện đại. Điều này cho thấy nguy cơ khoảng cách số theo giới còn tồn tại. Nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời, một bộ phận phụ nữ có thể bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số. Đây cũng chính là động lực để các cấp, các ngành đề ra những giải pháp thiết thực giúp phụ nữ nâng cao năng lực số, phát huy hơn nữa vai trò của mình trong kỷ nguyên số.
Tại Hội nghị lần thứ 10 (13 – 14/6/2024) do Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, đã thảo luận nhiều vấn đề trong đó việc ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số cho phụ nữ, đặc biệt là đổi mới phương thức hoạt động hội trong sinh hoạt, tập hợp hội viên và hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nội dung đã được đưa ra thảo luận nhưng khó khăn chung nhất mà đang gặp phải là việc ứng dụng công nghệ số sẽ quản lý như nào, thiêu nhân lực chuyên gia về công nghệ thông tin, vấn đề về an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh phi truyền thống[9]…

Ảnh: Báo Nam Định
Phong trào “Bình dân học vụ số” đang và sẽ mở ra cơ hội phổ cập kỹ năng số cho mọi người dân nhưng những thách thức, rào cản đối với phụ nữ vẫn hiện hữu và có nguy cơ kéo dài “khoảng cách số theo giới”:
Thứ nhất, bất bình đẳng hạ tầng và thiết bị. Ở khu vực nông thôn, nơi phụ nữ chiếm phần lớn lực lượng lao động phi chính thức – chỉ khoảng 63 % người dân truy cập Internet thường xuyên, thấp hơn đáng kể mức bình quân toàn quốc (≈ 79 %)[10]. Chênh lệch băng rộng cố định, chất lượng 4G/5G và giá thiết bị thông minh khiến nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, không đủ điều kiện tham gia các lớp học trực tuyến hay thực hành dịch vụ công số.
Thứ hai, khoảng cách tiếp cận theo giới vẫn dai dẳng. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Datareportal và Wearesocial năm 2024 [11] cho thấy 51% phụ nữ sử dụng mạng xã hội so với 49% nam giới, còn theo điều tra mức sống dân cư năm 2021 tỷ lệ sử dụng điện thoại của phụ nữ là 87 %, thấp hơn nam 93 %[12]. Khoảng trống tiếp cận này là một phần trở thành rào cản có thể đưa một bộ phận phụ nữ không thể tiếp cận vào hệ sinh thái số, thậm chí là bị bỏ lại phía sau với khoảng cách quá lớn.
Thứ ba, khoảng cách kỹ năng số và sự tự tin: Theo phân tích của GSMA – UNICEF (2024)[13] khẳng định phụ nữ ở các nước thu nhập trung bình, trong đó có Việt Nam đã có sự thu hẹp về việc tiếp cận kỹ năng kỹ thuật số cơ bản với 4%; sở hữu điện thoại thông minh của nữ giới vẫn kém nam giới 18%. Thiếu nền tảng kỹ năng, nhiều chị em e ngại, thậm chí tránh xa những khóa học đòi hỏi thao tác phức tạp, dẫn tới vòng luẩn quẩn “thiếu kỹ năng → thiếu tự tin → không tham gia”.
Thứ tư, gánh nặng chăm sóc gia đình và phân bổ thời gian: Phụ nữ Việt Nam vừa tham gia lao động (46,7 % lực lượng lao động) vừa đảm nhận phần lớn công việc không lương trong gia đình. Quỹ thời gian hạn hẹp khiến họ khó tham gia đầy đủ các khóa tập huấn “Bình dân học vụ số”, nhất là chương trình kéo dài nhiều buổi ở những địa điểm có thể không thuận tiện cho việc đi lại.
Thứ năm, rủi ro an ninh mạng, lừa đảo trên không gian số: Năm 2024, thiệt hại do lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam ước tính 18.900 tỷ đồng. Tổ chức Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội chống lừa đảo đã phối hợp công bố báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023 thì cho biết rằng có tới 90% nạn nhân dính bẫy lừa đảo là phụ nữ (Cứ 10 nạn nhân dính bẫy lừa đảo trực tuyến thì có 9 người là phụ nữ)[14]. Các hình thức lừa đảo phổ biến là mời gọi đầu tư, đánh cắp dữ liệu cá nhân, trong đó nạn nhân nữ chiếm tỷ lệ đáng kể vì tâm lý chia sẻ thông tin rộng rãi hơn[15]. Nỗi lo mất tiền, bị quấy rối trực tuyến càng khiến một bộ phận phụ nữ chùn bước trước các nền tảng số.
Các thách thức nêu trên đan cài lẫn nhau, tạo thành “ma trận” cản trở phụ nữ thụ hưởng trọn vẹn lợi ích của chuyển đổi số. Nếu không xử lý đồng bộ – từ hạ tầng, thiết bị, kỹ năng, thay đổi định kiến đến bảo vệ an toàn mạng và bổ sung chỉ tiêu giới trong chính sách – mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” của phong trào “Bình dân học vụ số” sẽ khó đạt. Ngược lại, khi những rào cản này được tháo gỡ, phụ nữ sẽ trở thành lực lượng nòng cốt lan toả kỹ năng số, thúc đẩy kinh tế và xã hội số phát triển bao trùm.
Để phát huy vai trò của phụ nữ và nâng cao hiệu quả phong trào, cần triển khai một số các giải pháp đồng bộ sau:
Thứ nhất, Tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của kỹ năng số đối với phụ nữ, xóa bỏ định kiến cho rằng công nghệ số là lĩnh vực “khó” hoặc không dành cho nữ giới. Phát động các phong trào thi đua trong hội viên phụ nữ về học tập công nghệ; biểu dương những tấm gương phụ nữ điển hình ứng dụng chuyển đổi số thành công…
Thứ hai, Xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng số được thiết kế phù hợp cho phụ nữ từng độ tuổi, trình độ, nghề nghiệp. Chẳng hạn, mở các lớp “bình dân học vụ số” miễn phí tại địa phương để phổ cập kỹ năng sử dụng máy tính, smartphone cho phụ nữ trung niên và cao tuổi; lồng ghép nội dung công nghệ trong sinh hoạt của hội phụ nữ. Cần biên soạn hệ thống học liệu số cơ bản phong phú, dễ hiểu, dễ tiếp cận, phù hợp với từng nhóm đối tượng người dùng (phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc, nữ công nhân, v.v.)
Thứ ba, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong việc tập hợp, dẫn dắt phụ nữ tham gia chuyển đổi số sẽ phải đóng vai trò tiên phong trong việc nâng cao kỹ năng số cho hội viên, phụ nữ, góp phần vào công cuộc xoá mù số trên toàn quốc. Mỗi cấp Hội cần chủ động xây dựng kế hoạch hành động về “Bình dân học vụ số”, ví dụ: mỗi chi hội phụ nữ tổ chức tối thiểu một lớp tập huấn kỹ năng số cơ bản cho hội viên mỗi quý, hoặc thành lập các câu lạc bộ “Phụ nữ với công nghệ” tại cộng đồng. Song song đó, tăng cường phối hợp giữa Hội Phụ nữ với Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân và các lực lượng tình nguyện khác để “đi từng ngõ, gõ từng nhà” hướng dẫn cho những phụ nữ chưa thành thạo công nghệ. Sự vào cuộc đồng bộ của các đoàn thể sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp, bảo đảm không phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau.
Thứ tư, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, internet đến vùng sâu, vùng xa; cung cấp các điểm truy cập internet công cộng miễn phí để phụ nữ ở mọi nơi đều có điều kiện tiếp cận thế giới số. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông có chính sách ưu đãi (gói cước giá rẻ, tặng thiết bị) cho hộ gia đình nghèo, trong đó có phụ nữ nghèo. Các sản phẩm, ứng dụng công nghệ cũng nên được thiết kế thân thiện, giao diện đơn giản để phù hợp với người dùng phổ thông, giúp phụ nữ lớn tuổi cũng có thể sử dụng dễ dàng.
Thứ năm, Đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ trong chuyển đổi số thông qua việc tăng cường hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Bên cạnh đó, có thể thành lập các quỹ hỗ trợ, giải thưởng nhằm khuyến khích sáng kiến chuyển đổi số do phụ nữ đề xuất; hoặc triển khai các chương trình kết nối nữ sinh viên, nữ chuyên gia trẻ am hiểu công nghệ với những phụ nữ lớn tuổi hơn để trợ giúp họ trong hành trình học hỏi kỹ năng số.
Ngoài ra nhằm phát huy tính chủ động của bản thân mình theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 57 và Quyết định số 749, phụ nữ Việt Nam cần:
Thứ nhất, chủ động học tập và nâng cao kỹ năng số. Tham gia các khóa học trực tuyến hoặc tại chỗ về sử dụng công nghệ, từ kỹ năng cơ bản như sử dụng mạng xã hội từ cơ bản đến nâng cao, quản lý sàn thương mại điện tử, đặc biệt là kỹ năng sử dụng dịch vụ hành chính công tham gia vào hệ sinh thái Chính quyền số, Chính phủ số.
Thứ hai, trở thành tuyên truyền viên số, đại sứ số tại cộng đồng. Phụ nữ, đặc biệt là cán bộ và hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, phổ cập kiến thức số đến gia đình, cộng đồng thông qua các buổi sinh hoạt hội, các sự kiện tại địa phương, thậm chí là đến tận nơi để hướng dẫn trực tiếp hoặc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ tài liệu học tập, các cách làm hay, sáng tạo.
Thứ ba, sáng tạo nội dung số. Phát triển các video, bài viết hoặc hướng dẫn ngắn gọn, dễ hiểu bằng tiếng Việt để phổ biến kỹ năng số, đặc biệt nhắm đến các nhóm phụ nữ yếu thế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và Miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đề xuất, định hướng, hỗ trợ cho đến vận hành các dự án số hóa tại địa phương, như thiết lập các “Điểm học tập số” tại nhà văn hóa hoặc hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để cung cấp thiết bị và tài liệu học tập.
Thứ tư, tăng cường an ninh mạng và nâng cao đạo đức số. Nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, phòng chống lừa đảo trực tuyến và chia sẻ kiến thức này với cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường số an toàn. Nâng cao về đạo đức khi tham gia môi trường số, tuân thủ đúng quy định của Luật An ninh mạng, Luật bản quyền, Luật Báo chí,…
Những hành động này không chỉ giúp phụ nữ khẳng định vai trò trong chuyển đổi số mà còn lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo. Ngoài ra những hành động trên không tách rời chính sách Nhà nước mà bổ trợ, khuếch đại các giải pháp thể chế – tài chính đã đề xuất, giúp phong trào “Bình dân học vụ số” thật sự lan tỏa từ dưới lên và gắn kết chặt chẽ với mục tiêu chiến lược của Nghị quyết 57‑NQ/TW và Quyết định số 749/QĐ-TTg.
Trong kỷ nguyên số, phụ nữ Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của mình, tiếp nối tinh thần “Bình dân học vụ” từ thế hệ trước. Việc chủ động học hỏi và tham gia tích cực của phụ nữ trong phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ giúp chính họ nâng cao tri thức, kỹ năng, cải thiện đời sống, mà còn góp phần quan trọng xây dựng một xã hội số văn minh, tiến bộ. Với niềm tin lớn vào sức mạnh đoàn kết, tinh thần không ngại khó, không ngại khổ, phụ nữ Việt Nam sẽ phát huy tối đa tiềm năng trong chuyển đổi số, trở thành lực lượng đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển đất nước.
[1] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.8.
[2] Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.161.
[3] https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-buoi-gap-mat-dai-dien-nha-giao-can-bo-quan-ly-giao-duc-nhan-ngay-nha-giao-viet-nam-20-11-102241118120459874.htm
[4] https://baochinhphu.vn/thu-tuong-phat-dong-phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-toan-dan-102250326173839409.htm
[5] https://www.hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nghi-quyet-%C4%91ai-hoi-%C4%91ai-bieu-phu-nu-toan-quoc-lan-thu-xiii-51518-1201.html
[6] https://www.hoilhpn.org.vn/web/ntm-va-bao-ve-moi-truong/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/mo-hinh-tap-hop-phu-nu-tren-khong-gian-mang-thich-ung-thoi-ky-4-0-136801-1701.html
[7] https://hoilhpn.org.vn/web/ntm-va-bao-ve-moi-truong/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/hoi-lhpn-tinh-bac-kan-ra-mat-mo-hinh-tap-hop-phu-nu-tren-khong-gian-mang-291401-2005.html
https://vwu.vn/web/ntm-va-bao-ve-moi-truong/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/mo-hinh-tap-hop-phu-nu-tren-mang-xa-hoi-251201-2005.html
[8]https://www.phunuonline.com.vn/xoa-mu-cong-nghe-cho-chi-em-kinh-doanh-nho-le-a1476865.html#:~:text=B%C3%A0%20Tr%E1%BA%A7n%20Th%E1%BB%8B%20Ph%C6%B0%C6%A1ng%20Hoa,Th%E1%BB%8B%20Ph%C6%B0%C6%A1ng%20Hoa%20kh%E1%BA%B3ng%20%C4%91%E1%BB%8Bnh
[9] https://hoilhpn.angiang.gov.vn/tap-hop-phu-nu-tren-khong-gian-mang-tuy-kho-lam-nhung-rat-can-thiet/
[10] https://fpt.vn/vi/blog/internet-nong-thon--10967.html?
[11] https://datareportal.com/reports/digital-2024-vietnam
[12]https://nhandan.vn/tao-co-hoi-cho-phu-nu-trong-qua-trinh-chuyen-doi-so-tai-viet-nam-post741624.html#:~:text=T%E1%BA%A1i%20Vi%E1%BB%87t%20Nam%2C%20theo%20%C4%91i%E1%BB%81u,v%E1%BB%9Bi%20nam%20gi%E1%BB%9Bi%20l%C3%A0%2093%25.
[13] https://www.gsma.com/solutions-and-impact/connectivity-for-good/mobile-for-development/blog/the-mobile-gender-gap-report-2024/
[14] https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/cu-10-nan-nhan-dinh-bay-lua-dao-truc-tuyen-thi-co-9-nguoi-la-phu-nu-20240126111943756.htm
[15]https://baochinhphu.vn/thiet-hai-do-lua-dao-truc-tuyen-uoc-tinh-18900-ty-dong-nam-2024-102241216153209577.htm?
Nguồn: hoilhpn.org.vn