date
  • Cả cuộc đời của người phụ nữ là một bài lịch sử về những yêu thương.(Washington Irving)
  • Nếu phụ nữ không hiện hữu, tất cả tiền bạc trên thế giới đều vô nghĩa.(Aristotle onassis)
  • Mỗi người đàn bà đều có một nét quyến rũ kỳ bí, nếu họ không kiêu hãnh và bướng bỉnh.(Joanna Ballie)
  • Phụ nữ Thanh Hóa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Phụ nữ Thanh Hóa trong lịch sử: Ân cần đón tiếp, giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam ra Bắc tập kết, học tập

Đăng lúc: 00:00:00 12/09/2024 (GMT+7)

Trong suốt 94 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thanh Hóa nói riêng với truyền thống yêu nước nồng nàn đã đoàn kết, phát huy tài năng, trí tuệ cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có hoạt động đón tiếp cán bộ, bộ đội, học sinh, sinh viên, đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Geneve 1954.

24.jpg

Đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại Cảng Hới năm 1954. Ảnh tư liệu

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Geneva được ký kết, để chuẩn bị lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài sau này, Bác Hồ và TW đã chỉ đạo cho các cấp ủy Đảng ở miền Nam, một mặt, phải tổ chức, bố trí lại lực lượng cán bộ cách mạng ở miền Nam; mặt khác phải khẩn trương đưa một số con em cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam ra Bắc học tập để đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, cho tương lai cả nước sau này.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương, Đảng bộ, Nhân dân Thanh Hóa đã đón tiếp cán bộ, bộ đội, học sinh, sinh viên, đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Geneve 1954. Từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955 (tổng số 7 đợt đón tiếp), Nhân dân và phụ nữ Sầm Sơn cùng nhiều địa phương ở Thanh Hóa đã đón tiếp, chăm sóc 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở miền Nam tập kết ra miền Bắc.

Tại Sầm Sơn, chị em phụ nữ từng đoàn đã đem theo cơm ngô, cơm khoai… đi đón tiếp. Khi xuống thuyền, nhiều chị tự nguyện cõng thương binh vào bờ, đỡ từng cái ba lô, từng túi gạo…; các mẹ đến quạt mát, chăm sóc, hỏi han anh em, bà con như đón người thân trở về.

Khi anh em, bà con về địa phương, nhân dân các địa phương chủ yếu là phụ nữ nhiệt tình đón tiếp. Các gia đình để dành cơm, khoai... cho bà con, anh em miền Nam; xung phong săn sóc anh em thương binh đau ốm. Nhân dân khắp nơi trong tỉnh đã tích cực phục vụ, cung cấp đầy đủ nhu cầu về ăn, mặc cho anh em, trong đó, phụ nữ thị xã Thanh Hóa đã đan tặng trên 5 nghìn chiếc áo len, đóng trên 6 nghìn đôi dép cho các em học sinh... góp phần cùng toàn tỉnh đã đón 45 chuyến tàu gồm tổng số 79.996 người (trong đó có 47.346 người là cán bộ, bộ đội; 1.775 thương binh; 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ).

Trong điều kiện còn khó khăn, nhưng Nhân dân Thanh Hóa nói chung, lực lượng phụ nữ nói riêng đã góp sức lực, của cải vào việc đón tiếp, giúp đỡ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam ra tập kết. Việc làm này đã khắc sâu tình cảm Bắc - Nam ruột thịt, tác động tích cực đối với cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam, góp phần đưa cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà mau đến ngày thắng lợi.

Xa quê hương, xa những người ruột thịt nhất để ra Bắc học tập, con em cán bộ, chiến sỹ và đồng bào miền Nam đã tìm thấy những người ruột thịt mới trong những gia đình trên quê hương Thanh Hoá hết sức thân thương, đã dành những điều kiện tốt nhất để giúp con em Miền Nam thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh, sinh hoạt trên đất Bắc. Với vai trò là người mẹ, người vợ, người chị, người em gái trong mỗi gia đình, phụ nữ xứ Thanh nói riêng và phụ nữ miền Bắc nói chung đã chăm sóc, sẻ chia, đùm bọc, thương yêu những người con Miền Nam như những người con ruột thịt trong gia đình... Từ miếng cơm, manh áo đều được các bà, các mẹ, các chị, các em chăm lo để những người con Miền Nam yên tâm sinh sống, học tập. Khi mùa đông đến, lo lắng cho con em miền Nam không quen với các giá lạnh của thời tiết miền Bắc, các bà, các mẹ, các chị, các em lại cùng nhau may tặng  những chiếc áo ấm, khăn len…. Biết các em học sinh có câu cửa miệng "ngày Bắc, đêm Nam", ban ngày vẫn học tập, vui chơi, sinh hoạt bình thường, nhưng đêm về, nhiều học sinh khóc ướt gối vì nhớ ba mẹ, thương quê hương, xóm làng bị giặc giày xéo, các bà, các mẹ, các chị lại trở thành những bờ vai nương tựa cho các em, để các em vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.

Nhờ sự đùm bọc của đồng bào miền Bắc, tận tình nuôi dưỡng, nhiều thế hệ học sinh miền Nam đã thành tài, trong đó, nhiều người đã trở thành cán bộ, lãnh đạo các cấp, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, các nhà khoa học đầu ngành ở nhiều lĩnh vực, các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, nhiều người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động… góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Năm (cán bộ hưu trí phường 8, TP. Bạc Liêu) vẫn chưa bao giờ quên những ngày sống trên đất Bắc. Bởi đó là khoảng thời gian quan trọng trong cuộc đời ông. Hơn 20 năm học hành, làm việc, từ một thiếu niên sống xa gia đình, ông đã trở thành cán bộ khoa học, thành gia lập thất trong sự chở che, đùm bọc của đồng bào miền Bắc. Cuộc hành trình của ông bắt đầu từ tháng 11/1954, khi ấy ông chỉ mới 17 tuổi, cùng nhiều học sinh, cán bộ miền Nam khác xuống tàu ở Sông Đốc (Cà Mau) vượt biển để ra Bắc sống và học tập. Ở nơi cách xa quê hương gần 2.000km, ông được những người mẹ, người chị miền Bắc nhân hậu, giàu lòng yêu thương giúp đỡ. Miền Bắc đã trở thành một phần thân thuộc nhất trong cuộc đời người cán bộ hưu trí này.

Trải qua mỗi giai đoạn cách mạng khác nhau, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, các cấp Hội phụ nữ Thanh Hoá luôn phấn đấu làm tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của phụ nữ, đoàn kết, tập hợp, vận động phụ nữ phát huy truyền thống tốt đẹp “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng đổi mới quê hương, đất nước, quyết tâm thực hiện tốt các phong trào thi đua, nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chị em phụ nữ Thanh Hóa có tinh thần cần cù lao động rất tốt. Như thế là vừa làm lợi nhà, vừa làm ích nước, mong rằng nam giới hãy thi đua với phụ nữ”.

 
Nguồn: hoilhpn.org.vn 

Thống kê truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
156265