date
  • Cả cuộc đời của người phụ nữ là một bài lịch sử về những yêu thương.(Washington Irving)
  • Nếu phụ nữ không hiện hữu, tất cả tiền bạc trên thế giới đều vô nghĩa.(Aristotle onassis)
  • Mỗi người đàn bà đều có một nét quyến rũ kỳ bí, nếu họ không kiêu hãnh và bướng bỉnh.(Joanna Ballie)
  • Phụ nữ Thanh Hóa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nhân rộng mô hình "Thu gom phế liệu" giúp phụ nữ nghèo ở Thanh Hóa

Đăng lúc: 14:38:23 04/06/2020 (GMT+7)

Chi hội phụ nữ thôn Tây Sơn, xã Phú Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã thu hút 60 hội viên tham gia thực hiện mô hình “Phụ nữ thu gom rác thải nhựa hỗ trợ phụ nữ nghèo và trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” trên địa bàn. Không chỉ nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của chị em hội viên mà còn tạo nguồn quỹ để hỗ trợ những phụ nữ và trẻ em nghèo.

Tạo nguồn quỹ giúp phụ nữ nghèo
 
Đầu năm 2020, Hội LHPN xã Phú Sơn đã triển khai mô hình "Thu gom phế liệu" và lấy chi hội phụ nữ thôn Tây Sơn thực hiện mô hình điểm. Theo đó, chi hội phụ nữ thôn Tây Sơn đã thực hiện mô hình phù hợp với điều kiện của thôn và thu hút 60 hội viên tham gia tích cực. Quá trình thực hiện mô hình điểm, các hội viên đã có ý thức thực hiện phân loại rác thải tại nhà, chấp hành tốt việc đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; tham gia tổng vệ sinh môi trường làm sạch đường làng, ngõ xóm; thực hiện hiệu quả chương trình phát động "Phụ nữ thu gom rác thải nhựa hỗ trợ phụ nữ nghèo và trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn" một cách hiệu quả.
 
mô hình thu gom phế liệu (Tĩnh Gia) 1.jpg
 
Chi hội phụ nữ Tây Sơn, xã Phú Sơn (Tĩnh Gia)
nhập phế liệu lấy tiền tiết kiệm giúp phụ nữ, trẻ em nghèo.

 
Chị Phạm Thị Chính, chủ tịch hội LHPN xã Phú Sơn cho biết, tuy không quy định mỗi tháng hội viên phải gom được bao nhiêu cân phế liệu, nhưng đây là hoạt động tự nguyện nhằm gây quỹ và giúp đỡ hội viên khó khăn nên các chị rất tự giác. Ban đầu, lượng phế liệu thu được còn ít, các tháng sau gom được nhiều hơn. Gia đình nào cũng có túi nilon, chai lọ đựng hay cái ấm nhôm hỏng, ốc vít long... đều được chị em gom dồn lại cho chi hội.
 
"Lúc mới triển khai, mô hình gặp không ít khó khăn, nhưng sau vài tháng đi vào hoạt động, nhiều hội viên đã nhận thấy ý nghĩa của mô hình nên nhiệt tình tham gia. Vì vậy, rác thải trên các tuyến đường, khu dân cư được thu gom sạch sẽ, không còn tình trạng người dân xả rác thải bừa bãi như trước đây. Đến nay, mô hình đã thu hút được 60 hội viên trong chi hội tham gia mô hình. Sau khi mô hình triển khai có hiệu quả ở Chi hội Phụ nữ thôn Tây Sơn, hội sẽ nhân rộng ra các thôn còn lại trong toàn xã", chị Chính cho biết thêm.
 
Từ số phế liệu này, vào cuối tháng sẽ có tổ (nhóm) trưởng đến từng hộ để thu gom và tập kết. Khi nào phế liệu đầy, sẽ được bán và đưa vào quỹ để trao tiền mặt giúp đỡ phụ nữ, trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh việc thu gom tại nhà, các chị còn vận động các hộ có đám cưới, giỗ chạp cho vỏ lon, chai nhựa... Tính trong quý 1 năm 2020, chi hội phụ nữ Tây Sơn đã gom được gần 3 tấn phế liệu, trị giá thu được gần 13 triệu đồng. Chi hội đã trích quỹ trao cho 23 hội viên, phụ nữ, trẻ em khó khăn, phụ nữ bị bệnh hiểm nghèo, trong đó có cháu Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh tiểu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở với bà ngoại được chi hội duy trì hỗ trợ 200 ngàn đồng/tháng và đấu mối với hội cấp trên trao xe đạp cho em tới trường. Nhận thấy hiệu quả và ý nghĩa của hoạt động, rất đông phụ nữ thôn Tây Sơn tham gia. Đến nay tăng lên 120 hội viên.
 
"Thời gian qua, Hội LHPN xã Phú Sơn đã thực hiện mô hình điểm "Phụ nữ thu gom rác thải nhựa hỗ trợ phụ nữ nghèo và trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn" tại chi hội Tây Sơn" rất hiệu quả. Mô hình đã hạn chế tình trạng xả rác thải bừa bãi trong các khu dân cư, xây dựng môi trường sống nông thôn không rác thải nhựa. Đặc biệt, thông qua nguồn quỹ thu được từ việc bán phế liệu đã hỗ trợ, động viên các hội viên nghèo vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống", Lê Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tĩnh Gia, cho biết.
 
Thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường
 
Không chỉ trong nhà, ngoài đường sạch sẽ, ngoài đồng bây giờ cũng chẳng còn những chai lọ, túi đựng thuốc trừ sâu vứt bừa bãi như trước kia. Chị Nguyễn Thị Thanh là tiểu thương tại chợ. Gia đình chị trước đây thường gom phế liệu để thật nhiều mới bán lấy tiền sinh hoạt, nhưng biết được việc làm ý nghĩa của tổ chức hội, chị Thanh đã dành toàn bộ số phế liệu tích góp được 2,3 tạ cho chi hội. Việc làm của chị Thanh đã tạo được hiệu ứng tốt, nhiều chị tự nguyện ủng hộ chi hội phế liệu để gây quỹ. Việc làm ý nghĩa thiết thực của chi hội phụ nữ Tây Sơn đã lan tỏa đến các chi hội khác và được Hội LHPN xã Phú Sơn khuyến khích, nhân rộng. Đợt dịch COVID-19, hội LHPN xã chỉ đạo các chi hội trích kinh phí thu gom phế liệu mua 1.600 khẩu trang tặng cho phụ nữ nghèo và người dân trên địa bàn.
 
mô hình thu gom phế liệu (Tĩnh Gia) 2.jpg
 
Số phế liệu của Hội LHPN xã Phú Lâm thu gom được.
 
Từ tháng 3/2020 đến nay, Hội LHPN xã Phú Lâm đã thu hút được hội viên, phụ nữ của 5/7 chi hội tham gia thu gom phế liệu tiết kiệm và đã tặng 20 hội viên nghèo (200 ngàn đồng/chị). Dù giá trị không là bao nhưng đối với vùng nông thôn còn nhiều khó khăn thì sự gom góp, ủng hộ của số đông hội viên phụ nữ đã tạo nguồn quỹ, hỗ trợ cho nhiều hội viên phụ nữ khó khăn, tăng thêm tình đoàn kết, giúp đỡ chị em vươn lên trong cuộc sống. Một số chị đã gom số tiền được tặng để mua con giống (gà, vịt) nuôi, trang trải sinh hoạt gia đình, mua sách vở, đồ dùng học tập cho con...
 
Chia sẻ về tính bền vững của mô hình, chị Lê Thị Hiệp, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Lâm cho biết: "Mô hình thu gom phế liệu gây quỹ giúp đỡ phụ nữ, trẻ em khó khăn đã đem lại hiệu quả thiết thực bởi nó rất phù hợp với thực tế địa phương vì đơn giản, mọi người đều có thể thực hiện. Điều đáng ghi nhận là từ phong trào đã lồng ghép việc thực hành tiết kiệm với các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ, tạo sợi dây gắn bó mật thiết giữa các hội viên phụ nữ".
 
mô hình thu gom phế liệu (Tĩnh Gia).jpg
 
Hội LHPN xã Trúc Lâm ra mắt mô hình thu gom rác thải nhựa hỗ trợ phụ nữ nghèo
và trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
 
Thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình hội viên, phụ nữ nhiều xã trên địa bàn huyện Tĩnh Gia đã quen bỏ phế liệu tái chế vào bao đựng để gây quỹ làm việc thiện. Bà Lê Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tĩnh Gia cho biết, hiện toàn huyện đã có 27 chi hội với 1.530 hội viên của 5 xã (Phú Sơn, Phú Lâm, Trúc Lâm, Hải Ninh, Thanh Thủy) tham gia, thu được hơn 30 triệu đồng (quý 1/2020). Mô hình đã mang lại hiệu quả xã hội tích cực. Bên cạnh việc góp phần phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế tác động xấu đến môi trường thì từ nguồn thu bán phế liệu đã giúp đỡ rất nhiều trường hợp phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
 
Nguồn: phunuvietnam.vn

Thống kê truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
156265