Từ ý tưởng sáng tạo đến những vật dụng hữu ích
Đăng lúc: 16:08:15 21/08/2019 (GMT+7)
Người ta cứ tưởng rác, phế phẩm là thứ vứt đi, nhưng không phải vậy, chính nhờ những ý tưởng sáng tạo của những hộ dân chuyên cần đã biến những vật vô ích ấy thành những vật dụng hữu ích trong cuộc sống. Nhưng quan trọng hơn, chủ nhân những ý tưởng sáng tạo ấy đã chung tay với cộng đồng làm sạch môi trường, truyền thông điệp đến nhiều người, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Sản xuất hàng thủ công xuất khẩu từ tre luồng của gia đình chị Thân Thị Kim
phố 6, thị trấn Hà Trung (Hà Trung) góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Tận mắt nhìn thấy những gốc, mắt luồng, tre, nứa, vầu... vứt bỏ, đốt rất lãng phí, chị Thân Thị Kim, tiểu khu 6, thị trấn Hà Trung (Hà Trung) lấy về cho người làm công của gia đình đưa vào máy bào, cắt mỏng và ghép thành những chiếc bình hoa, bát ăn, bàn, ghế trang trí, hộp đựng giấy ăn, ống đựng tăm, tẩu thuốc lá... Dường như những sản phẩm được làm bằng vật liệu này còn xa lạ với nhiều người trong tỉnh, nhưng lại là mặt hàng xuất khẩu được thị trường nhiều nước tin dùng, như: Úc, Thái Lan, Mỹ... mà gia đình chị xuất đi hàng tháng, tạo việc làm cho hơn 30 lao động.
Ở huyện Hà Trung, hầu như xã nào cũng có rất nhiều hội viên, phụ nữ đã và đang triển khai sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học EM vào trồng trọt, chăn nuôi rất hiệu quả. Đồng chí Đỗ Thị Thủy, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Hàng ngày tại các chợ và khu dân cư, gia đình có các loại hoa quả bị hỏng, vỏ cam bưởi, dưa hấu, vỏ dứa... vứt đi sẽ là nguồn ô nhiễm môi trường, nhưng chị em phụ nữ các xã, thị trấn đã thu gom rửa sạch, băm nhỏ trộn với tỏi, ớt và đường ủ kín trong thùng, sau một tuần lên men và tạo thành chất lỏng có mùi thơm, vị cay dùng thay cho phân vi sinh, phun cho cây trồng diệt sâu, rệp. Bởi thế, các loại cây ăn quả như ổi, na, bưởi, táo... không có sâu, sai quả mà bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chế phẩm này còn trộn vào thức ăn cho bò, gia cầm phòng trừ dịch bệnh, tăng khả năng đề kháng. Nhiều chị em rất phấn khởi vì hiệu quả mang lại rõ rệt và tiết kiệm được chi phí.
Trong quá trình thu gom rác thải, các thành viên tổ hợp tác dịch vụ vệ sinh môi trường do phụ nữ làm chủ xã Quang Lộc (Hậu Lộc) đã thu gom các loại chai nhựa, hộp nhựa... về cắt dán thành nhiều mẫu mã đẹp mắt và chuẩn bị giá thể, gồm: Đất phù sa trộn với mùn cưa, phân hữu cơ được ủ từ các loại vỏ trái cây để trồng rau, hoa, cây cảnh. Do tổ hợp tác đều lựa chọn cây ngắn ngày nên sau thời gian trồng khoảng 1 tuần đã có thể bán ra thị trường với giá chỉ từ 15 đến 80 nghìn đồng/1 sản phẩm đẹp mắt và hữu ích. Sản phẩm hướng tới các gia đình có không gian chật hẹp, khách hàng khối cơ quan, văn phòng, tạo nên không gian xanh, cảnh quan đẹp hài hòa với thiên nhiên, cải thiện đời sống tinh thần, thêm nguồn rau sạch cho mỗi gia đình.
Ngược lên vùng miền núi cao huyện Mường Lát, các cháu học sinh một số trường mầm non và tiểu học hồn nhiên, say sưa chơi đu quay, bập bênh... trong tiếng cười trong veo khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Đồ chơi của các cháu có cả những loại được làm bằng đồ nhựa cao cấp, nhưng để ý một chút sẽ thấy rất nhiều trẻ thích ngồi đu quay được làm bằng lốp xe ô tô; nô đùa với những con vật, đồ vật, như cỗ xe, con chim, con gà... được làm bằng lốp xe máy, xe ô tô, ống nhựa, vỏ chai, vỏ hộp sữa... Trên sân trường rực những màu hoa không chỉ trồng trong các khuôn viên, chậu mà còn trồng trong các vỏ chai nhựa đã qua sử dụng treo lên cao rất bắt mắt. Chúng rất đẹp bởi bàn tay khéo léo và ý tưởng sáng tạo của các cô giáo và hội viên, phụ nữ các chi hội.
Với sự năng động, sáng tạo, thời gian qua nhiều hội viên phụ nữ trong tỉnh đã mạnh dạn biến ý tưởng sáng tạo của mình thành hiện thực. Các chị đã tận dụng các nguyên liệu sẵn có (tre, nứa, đay, cói...), các phế liệu (vỏ chai, vỏ hộp sữa, ống nhựa, săm lốp xe...) tạo ra những đồ vật, vật dụng sử dụng hàng ngày thân thiện với môi trường và còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn, tạo cảnh quan môi trường, không khí vui vẻ, thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Dẫu không được tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin, sách báo... nhưng nhiều phụ nữ nông thôn đã rất chịu khó tìm hiểu, có ý tưởng sáng tạo và quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực thành công, được nhiều khách hàng đón nhận. Ví như chị Trương Thị Hải, thôn Hợp Tiến, xã Thành Hưng (Thạch Thành) thu gom vải nguyên liệu phế phẩm về sơ chế lại thành những chiếc chổi lau nhà, chổi lau công nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động; hội viên phụ nữ xã Thành Tâm (Thạch Thành) tận dụng vải vụn chèn xung quanh gốc cây ăn quả để giữ ẩm và chống xói mòn, tiết kiệm chi phí sản xuất; chị Lưu Thị Mai, phố 5, phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) tận dụng các dây lạt nhựa buộc các thùng gạch, hải sản... về rửa sạch đan thành những chiếc làn nhựa xinh xắn, bắt mắt... và còn rất nhiều những phế phẩm, rác khác mà nhiều chị em phụ nữ lao động trực tiếp đã có ý tưởng sáng tạo và nuôi dưỡng thành hiện thực, phục vụ cuộc sống.
Theo thống kê sơ bộ của Hội LHPN tỉnh, đến nay, nhiều mô hình sản xuất thân thiện với môi trường của hội viên, phụ nữ các đơn vị đang được khuyến khích và duy trì sản xuất, như: Đèn trang trí từ các cốc nhựa (Cẩm Thủy), sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ mây tre đan, luồng, tre (Hà Trung, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Nga Sơn), chế phẩm sinh học (Ngọc Lặc, Hà Trung), làn nhựa từ phế liệu dây lạt (TP Thanh Hóa)... Năm 2017, thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tạo điều kiện cho 4.304 cán bộ, hội viên phụ nữ có ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, qua đó thắp sáng ước mơ, khát vọng cho các chị, thực hiện bằng được, góp phần phát triển kinh tế, làm giàu cho quê hương. Đồng thời đã tổ chức “Ngày phụ nữ sáng tạo” hàng năm, giúp chị em kết nối với thị trường. Cách làm trên nhằm phát huy tài năng, sức sáng tạo của hội viên, phụ nữ, tăng quyền năng kinh tế, khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
(Baothanhhoa.vn)
0 bình luận
(Bấm vào đây để nhận mã)