date
  • Cả cuộc đời của người phụ nữ là một bài lịch sử về những yêu thương.(Washington Irving)
  • Nếu phụ nữ không hiện hữu, tất cả tiền bạc trên thế giới đều vô nghĩa.(Aristotle onassis)
  • Mỗi người đàn bà đều có một nét quyến rũ kỳ bí, nếu họ không kiêu hãnh và bướng bỉnh.(Joanna Ballie)
  • Phụ nữ Thanh Hóa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thực hiện “Mục tiêu kép”, nhiều mô hình kinh tế của phụ nữ phát huy hiệu quả

Đăng lúc: 11:19:02 23/06/2020 (GMT+7)

Ngay sau khi kết thúc thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Hội LHPN tỉnh đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh ủy và căn cứ vào điều kiện thực tế trên địa bàn để chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ chung sức, đồng lòng thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội.

35. Thực hiện mục tiêu kép.jpg
 
Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa trao bò sinh sản cho THT chăn nuôi bò sinh sản
do phụ nữ làm chủ xã pù Nhi (huyện Mường Lát)

Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền đến hội viên phụ nữ, toàn thể Nhân dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục thực hiện chiến lược phòng, chống dịch như đã đề ra. Phối hợp với các đơn vị trường học tuyên truyền hướng dẫn học sinh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khi học sinh đi học trở lại; phối hợp với Ủy ban MTTQ, các đoàn thể giám sát công tác thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ, công tác thực hiện các chính sách hỗ trợ bảo đảm đúng các quy định của pháp luật; các nhóm đối tượng khác đang tiếp tục rà soát, lập danh sách và thực hiện hỗ trợ kịp thời.

Song song với công tác phòng, chống dịch, hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ các cấp phát huy phẩm chất “Tự tin, tự trọng - trung hậu - đảm đang” tiếp tục vận động chị em thực hiện tốt cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, duy trì giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống, như: Cho vay không lãi, hỗ trợ ngày công lao động... đặc biệt là hỗ trợ trực tiếp giống cây, con và thành lập các mô hình kinh tế tại cơ sở xã, thị trấn. Từ nguồn vốn thông qua các chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện “mục tiêu kép” hỗ trợ 16 mô hình kinh tế tập thể cho các thành viên của 9 HTX và 7 tổ hợp tác trên địa bàn toàn tỉnh. Đối tượng được hỗ trợ là hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo, hộ có nhu cầu sản xuất. Ngoài ra, trong tháng 6, Hội LHPN tỉnh tiếp tục triển khai thêm 8 mô hình hỗ trợ giảm nghèo và 1 mô hình xây dựng nông thôn mới. Tính đến đầu tháng 6, 100% mô hình kinh tế được hỗ trợ thực hiện “mục tiêu kép” đã hoàn thành gồm: Chăn nuôi bò, dê sinh sản, gà ri đồi, vịt bản địa, cây dược liệu tại các xã Phú Nghiêm (Quan Hóa); Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc), Yên Khương (Lang Chánh), Pù Nhi, Trung Lý (Mường Lát)... Theo báo cáo kiểm tra ban đầu, sau khi được nhận con giống, các hộ đã tích cực chăm sóc đúng quy trình nên tỷ lệ sống đạt tới 99,9%.

Chị Lục Thị Tút ở bản Táo, xã Trung Lý (Mường Lát), cho biết: “Gia đình tôi chăm sóc theo đúng kiến thức được hội tập huấn nên 100 con vịt được trao đến nay đang phát triển tốt, tôi rất phấn khởi. Đây là điều kiện để gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”.

Chị Lò Thị Ủm ở bản Yên Bình, xã Yên Khương (Lang Chánh) cho biết thêm: “Được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bò sinh sản, gia đình tôi đã bỏ thêm vốn đối ứng hơn 3 triệu đồng để mua con bò gia đình ưng ý. Tôi đã làm chuồng và tạo nguồn thức ăn. Cả gia đình rất vui và quyết tâm sẽ chăm sóc tốt để bò sinh sản, phát triển”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế chăn nuôi bò, dê, vịt, gà, trồng cây dược liệu là những mô hình được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo cơ sở rà soát đối tượng và hỗ trợ theo nguyện vọng của hội viên, phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình và tại địa phương. Đối với mô hình bò, các thành viên tự nguyện đóng góp 100 ngàn đồng/người/tháng trong thời gian 2 năm và 50 ngàn đồng/người/tháng đối với mô hình vịt, gà trong thời gian 1 năm để dồn lại mua con giống tiếp tục trao cho hội viên nghèo khác. Theo tính toán của các hộ chăn nuôi gia cầm, nếu chăm sóc tốt sẽ thu hoạch 3 lứa/năm, trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 10 triệu đồng trở lên với số lượng 50 con/lứa. Các hộ nuôi bò sinh sản khoảng 1 năm sẽ có bê con, nhưng giá trị thu nhập lại cao hơn nhiều.

Đồng chí Phạm Thị Thúy, Trưởng Ban Kinh tế Hội LHPN tỉnh cho biết: Với hình thức hỗ trợ kịp thời giống cây, con cho các hộ nghèo, cận nghèo và hướng các hộ vào sản xuất theo hình thức kinh tế tập thể, theo chuỗi giá trị sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm đang là cách làm hiệu quả có tính bền vững hiện nay do hội thực hiện. Thông qua hình thức hỗ trợ sản xuất trên, chị em được tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sản xuất tự lực, xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào Nhà nước. Các chị còn tự nguyện góp quỹ hàng tháng để phòng chống rủi ro, tương trợ nhau, mua con giống tặng cho hộ nghèo khác để cùng nhau vươn lên khó khăn, tích cực sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập.

Bằng những hành động thiết thực, hiệu quả, hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh quyết tâm thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời vận động hội viên đẩy mạnh phát triển sản xuất tham gia thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu năm 2020 của các cấp hội đề ra, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn, lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025./.

Thống kê truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
156265