date
  • Cả cuộc đời của người phụ nữ là một bài lịch sử về những yêu thương.(Washington Irving)
  • Nếu phụ nữ không hiện hữu, tất cả tiền bạc trên thế giới đều vô nghĩa.(Aristotle onassis)
  • Mỗi người đàn bà đều có một nét quyến rũ kỳ bí, nếu họ không kiêu hãnh và bướng bỉnh.(Joanna Ballie)
  • Phụ nữ Thanh Hóa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Phụ nữ Thanh Hóa làm kinh tế

Đăng lúc: 11:15:15 11/03/2019 (GMT+7)

Các chị là những tấm gương sáng đời thường, vươn lên từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, cùng chung quyết tâm vượt khó, làm giàu bằng chính bàn tay, khối óc của mình.

1. Chị Bảy - Lang Chánh.jpg

Chị Lữ Thị Bảy còn mở cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu của bà con địa phương

Cô khuyến nông viên giúp bà con gieo trồng giống lúa mới

Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Lâm nghiệp Hồng Đức, chị Lữ Thị Bảy (sinh năm 1984), người dân tộc Thái về nhận nhiệm vụ công tác khuyến nông tại xã quê chồng là Yên Khương, huyện Lang Chánh.

Công việc của khuyến nông viên rất vất vả nhưng đúng với chuyên ngành được học nên chị rất say mê với nghề nghiệp. Tìm hiểu, chị nhận thấy, bà con nơi đây bao đời nay vẫn trồng giống lúa cũ, năng suất thấp nên cả ngày cặm cụi trên nương, trên rẫy mà vẫn không đủ ăn. Chị Bảy quyết tâm giúp bà con thay đổi giống cây trồng, trước hết bằng việc tự mình trồng giống lúa lai PHP71 và giống PTE1 trên 2 sào ruộng của gia đình. Vụ thu hoạch đầu tiên cho năng suất cao 3,5 tạ/sào. Từ kết quả đó, chị đã vận động bà con trong bản trồng giống lúa mới. Ban đầu, nhiều hộ không tin và còn e ngại, chị Bảy đã xuống ruộng, ngâm ủ mạ rồi vận động một số hộ trồng theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Bên cạnh đó, chị còn hướng dẫn bà con cách chăm sóc lúa, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng phân bón… để cho năng suất cao. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm của cô khuyến nông viên, giống lúa mới PHP71 và giống PTE1 mà chị hướng dẫn đạt năng suất và chất lượng cao, bà con rất phấn khởi. Từ đó, chị Bảy đã tham mưu cho xã đưa giống lúa mới vào trồng, đưa đời sống của bà con từ chỗ thiếu lương thực đã đủ ăn rồi còn có phần tích lũy.

Không dừng lại ở đó, chị cùng chồng bàn bạc, nhận đất rừng để trồng luồng, trồng keo. Bản thân chị tự ươm giống, làm đất… Từ 7ha đất ban đầu, nay vợ chồng chị đã thuê và mở rộng lên 20ha đất trồng keo, luồng. Bên cạnh đó gia đình chị còn chăn nuôi lợn, một năm xuất chuồng từ 1 - 1,3 tấn thịt cho thu nhập 120 triệu đồng/ năm. Để phục vụ nhu cầu của người dân, chị mở cửa hàng tạp hóa, cung cấp giống, phân bón cho bà con trong bản trừ chi phí cho lợi nhuận 100- 115 triệu đồng/năm.

Là Ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN xã Yên Khương, phụ trách công tác dân số, chị Bảy cùng Hội LHPN xã tham mưu chính quyền địa phương thực hiện tốt quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; tham gia tổ chức tuyên truyền vận động chị em phụ nữ vùng biên tích cực tham gia các phong trào của Hội.

Nữ giám đốc HTX tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm cho hàng trăm lao động

Chị Nguyễn Thị Sâm sinh ra và lớn lên ở vùng bãi ngang của huyện Hậu Lộc, sau mùa vụ, nhiều thời điểm trong năm chị em phụ nữ nơi đây có việc làm thêm để có nguồn thu nhập vì vậy đời sống còn khó khăn. Năm 2012, chị Sâm quyết định thành lập HTX Tiểu thủ công nghiệp Toàn Thắng chuyên may túi xách xuất khẩu. Khởi điểm ban đầu, HTX có 32 máy may, công nhân chính có mức lương từ 1-3 triệu đồng/tháng. Đến nay, HTX đã đi vào hoạt động ổn định, thị trường ngày càng mở rộng, sản xuất phát triển với quy mô đầu tư 112 máy, công nhân có thu nhập từ 2.5 đến 5 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập hàng năm của HTX đạt từ 250- 400 triệu đồng/năm.

Tuy khởi nghiệp muộn nhưng chị Sâm đã thành công và giúp cho nhiều chị em lao động tại địa phương có điều kiện tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống; đồng thời tạo việc làm cho 7 cháu mồ côi, tàn tật, giúp các cháu hòa nhập cộng đồng.

Chị Sâm mong muốn tiếp tục mở rộng sản xuất để tạo thêm nhiều việc làm cho lao động tại địa phương, giúp cho người dân nơi đây vơi bớt khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Với những công việc cụ thể, thiết thực của mình, chị Sâm đã vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Chị Quách Thị Hằng “công dân kiểu mẫu”

Gia đình chị Quách Thị Hằng ở thôn Nghĩa Đụng, xã Hà Long làm nông nghiệp, có 8.000m² đất. Chị bàn bạc với chồng đầu tư trồng dứa, mía, cây lâm nghiệp và các cây ăn quả khác để phát triển kinh tế. Cùng với đó, anh chị vay thêm vốn của người thân và bạn bè, đầu tư mua máy múc, ô tô tải để phục vụ vận chuyển và kinh doanh. Năm 2010, chị mạnh dạn đứng ra thành lập tổ sản xuất với số lượng 18 người, chuyên đi thu hoạch dứa, mía, lấy chổi, định hình dứa và các nông sản khác cho bà con nơi đây.

Từ những hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình, chị đã tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho 07 lao động với mức lương 5 tr.đ/tháng; đến nay trung bình mỗi năm trừ chi phí gia đình chị có thu nhập từ 450-500 triệu đồng/năm. Chị luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với hội viên, phụ nữ trong chi hội; động viên, giúp đỡ các hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn về ngày công, vốn, giống, kỹ thuật sản xuất...để chị em khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Tong 3 năm qua, chị Hằng cùng với chi hội đã giúp được 03 gia đình thành viên nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ 02 hộ mua ô tô để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều năm liền chị được các cấp Hội biểu dương khen thưởng, đặc biệt bản thân chị được công nhận là công dân kiểu mẫu của địa phương.

Chị Mai Thị Hương vượt khó lập nghiệp

Chị Mai Thị Hương cùng chồng đến vùng đất Yên Lạc, Như Thanh lập nghiệp. Năm 2012, chồng của chị mất trong một vụ tai nạn giao thông. Nhìn những đứa con còn thơ dại, chị đứng lên với tất cả nghị lực; vượt qua nỗi đau. Gửi các con ở quê, một mình chị bám trụ lại quyết tâm phát triển kinh tế để thay anh nuôi các con học hành. Trên diện tích 7ha đất của gia đình, chị kết hợp trồng  keo lá chàm, bưởi Diễn, hoa hoè trồng xen dong riềng, cùng với đó, chị còn dành diện tích đất trồng cỏ cung cấp cho trang trại bò sữa ở Phú Nhuận. Do chịu khó học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, toàn bộ diện tích trồng cây, cỏ của chị đều phát triển rất tốt. Chị còn kết hợp nuôi 3 con bò cái sinh sản, 100 – 120 con gà thả đồi, 30 đôi chim bồ câu Pháp. Chị còn mua một máy cày để phục vụ sản xuất của gia đình và cày thuê cho bà con trong thôn. Giờ đây, không chỉ thoát nghèo, chị Hương còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nữ tại địa phương với mức lương từ 4,2 triệu đồng/người/tháng, vào mùa vụ có lúc có tới 20 lao động làm việc cho gia đình chị. Hàng năm trừ các khoản chi phí chị thu về cho gia đình từ 150 đến 180 triệu đồng. Mặc dù công việc nhiều song chị vẫn sắp xếp để tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Hội, làm tổ trưởng tổ phụ nữ và là thành viên tích cực của CLB xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch của xã Yên Lạc. Năm 2016, chị là điển hình được tham dự Hội nghị biểu dương CLB xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch do Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tổ chức.

Nhật Linh, Hậu Lộc, Hà Trung, Lê Giang (Như Thanh)

Thống kê truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
156265