Phụ nữ Thanh Hóa khởi nghiệp sáng tạo
Đăng lúc: 08:52:43 24/05/2019 (GMT+7)
Từ nhiều hoàn cảnh, nhiều công việc, nghề nghiệp khác nhau, các chị đã vươn lên với khát vọng làm giàu cho bản thân, cống hiến cho xã hội.
Say mê nghiên cứu khoa học vì sức khỏe của mọi người
Chị Lê Thị Thảo (sinh năm 1987, thị xã Bỉm Sơn) đã tìm tòi,
nghiên cứu nuôi trồng nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe
Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, được về làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa, chị Lê Thị Thảo (sinh năm 1987, thị xã Bỉm Sơn) đã tìm tòi, nghiên cứu nuôi trồng nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe như nấm lim xanh, nấm linh chi, lan kim tuyến.
Trong quá trình nghiên cứu, tiếp cận công nghệ,, năm 2018 chị Thảo mạnh dạn tìm tòi, nghiên cứu nuôi trồng thành công đông trùng hạ thảo - một loại dược liệu quý từ Tây Tạng (Trung Quốc). Trước đó, tại Việt Nam, đông trùng hạ thảo đã được nghiên cứu và nhân cấy thành công, tuy nhiên trong quá trình tìm hiểu, chị Thảo nhận thấy các công đoạn nuôi cấy vẫn dùng hóa chất. Chị Thảo đã tìm tòi để thay thế việc sử dụng hóa chất bằng các hoạt chất có sẵn trong các nguyên liệu tự nhiên với đề tài “Nghiên cứu môi trường cơ chất nuôi cấy nhằm làm tăng tốc độ hình thành và sinh trưởng của quả thể nấm đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris)”
Chị Thảo cho biết, để có được một sản phẩm đông trùng hạ thảo đảm bảo thành phần dược tính tối đa, quá trình nuôi trồng nhân tạo được thực hiện theo một quy trình khép kín. Các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng được điều chỉnh phù hợp. Đông trùng hạ thảo được sản xuất với những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm và hoàn toàn hữu cơ như nhộng tằm, gạo lứt, nước dừa, khoai tây và giá đỗ... hoàn toàn an toàn cho sức khỏe người dùng lại không gây ô nhiễm môi trường.
Với đề tài nghiên cứu sáng tạo của mình, giải pháp của chị Thảo đã được Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa trao giải nhì, được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trao tặng lao động sáng tạo năm 2018.
Tìm sức sống mới cho rác thải
Khi ngắm nhìn những chiếc lông gà, lông vịt ánh lên những sắc màu bắt mắt, chị Trịnh Thùy Linh (sinh năm 1982, TP. Thanh Hóa) đã có ý tưởng làm tranh nghệ thuật từ những chiếc lông gà, lông vịt bỏ đi này.Chị đã cặm cụi đi thu gom bao bì cũ, lông gà, lông vịt, sau đó rửa sạch, sấy khô.
Bao bì cũ chị dùng để tạo phông nền cho bức tranh, lông gà, lông vịt chị sáng tạo thành các hình tượng khác nhau, tạo nên những bức tranh vô cùng độc đáo. Đặc biệt, với đôi bàn tay khéo léo,chị Linh còn tận dụng khăn mặt cũ, giẻ lau trong gia đình để tạo ra các bình hoa, chậu cây cảnh rất hữu ích trong cuộc sống hàng ngày.
Chị Linh chia sẻ, với mong muốn mãnh liệt về một môi trường sống trong lành, một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc, chị đã “tìm sức sức sống mới cho rác thải” từ những việc làm bình dị như thế.
Chị Trịnh Thùy Linh (sinh năm 1982, TP. Thanh Hóa)
sáng tạo tranh nghệ thuật từ những chiếc lông gà, lông vịt
Khởi nghiệp với nghề làm hoa khô
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 2001 chị Lê Thị Việt (Nông Cống) đi xuất khẩu lao động tại Thái Lan. Bên cạnh việc kiếm sống, với tình yêu hoa, chị Việt đã tranh thủ thời gian lúc rảnh rỗi học cách ép những bông hoa tươi thành những bông hoa khô mà vẫn giữ nguyên màu sắc.
Sau 5 năm trở về quê nhà, chị quyết tâm tạo dựng sự nghiệp từ nghề làm hoa ép khô. Chị chia sẻ về quy trình làm hoa khô: Hoa tươi sau khi rửa sạch, sơ chế, cắt hoa cho vào hộp ướp với cát công nghệ trong 1 tuần. Khi hoa khô đem ra cắm vào bình thủy tinh sau đó đậy nắp dán kín bình bằng keo. Chị Việt cho biết, một bông hoa tươi thường để được lâu nhất cũng chỉ một tuần, nhưng với hoa ướp khô được đặt trong hộp kính thời gian sử dụng trên 10 năm thậm chí là 20 năm và lâu hơn nữa mà luôn giữ được màu sắc của hoa.
Sản phẩm hoa khô của chị đã được nhiều người biết đến, yêu thích và tiêu dùng, được tiêu thụ trong tỉnh và các tinh khác như: Hà Nội, Vũng Tàu, Thành phố Vinh - Nghệ An...Hiện nay, cơ sở của chị đang tạo việc làm cho từ 5 - 10 lao động nữ tại địa phương có thu nhập thường xuyên với mức thu nhập từ 3,5 triệu/tháng trở lên.
Chị Lê Thị Việt (Nông Cống) với sản phẩm hoa khô của mình
Thu nhập hàng tỷ từ nghề trồng hoa
Chị Mai Thị Hằng (xã Thọ Diên, huyện Triệu Sơn) gắn bó với nghề trồng hoa từ trẻ và luôn là người đi đầu trong việc đưa những giống hoa mới về địa phương để trồng.
Khi mới khởi nghiệp, tận dụng diện tích đất sẵn có của gia đình, chị Mai bàn với chồng đầu tư trồng hoa hồng cung cấp cho người dân trong huyện. Sau đó nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, chị trồng thêm hoa cúc, hoa ly, hoa hồng cổ SaPa. Học hỏi qua sách báo, chị Mai nhận thấymô hình trồng hoa lan đã trở thành mô hình kinh tế được nhiều người dân lựa chọn, mang lại giá trị kinh tế cao. Năm 2012, chị cùng chồng quyết định mở rộng, nhân giống và cung ứng nhiều giống lan quý hiếm như: lan kim tuyến, phi điệp…
Đến nay, sau 7 năm gắn bó với nghề trồng lan, vợ chồng chị đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trồng lan.Hiện tại, vùng trồng hoa của gia đình chị được đầu tư quy mô với diện tích hơn 4.000m2 với hơn 200 loài hoa lan, mang lại thu nhập hàngnăm cho gia đình chị trên 1 tỷ đồng.
Nhật Linh