date
  • Cả cuộc đời của người phụ nữ là một bài lịch sử về những yêu thương.(Washington Irving)
  • Nếu phụ nữ không hiện hữu, tất cả tiền bạc trên thế giới đều vô nghĩa.(Aristotle onassis)
  • Mỗi người đàn bà đều có một nét quyến rũ kỳ bí, nếu họ không kiêu hãnh và bướng bỉnh.(Joanna Ballie)
  • Phụ nữ Thanh Hóa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế

Đăng lúc: 15:25:34 10/03/2022 (GMT+7)

(TTV) - Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, trong những năm qua phụ nữ Thanh Hóa luôn đoàn kết, vượt khó, có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vào sự phát triển chung của tỉnh. Chị em phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có phát triển kinh tế. Những năm gần đây, các tấm gương phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn Thanh Hóa đang xuất hiện ngày càng nhiều.

149.jpg

Là cán bộ Hội phụ nữ thị trấn Nông Cống, chị Nguyễn Thị Vinh luôn tâm niệm: muốn vận động, thuyết phục, lôi cuốn đông đảo chị em tham gia vào các phong trào thi đua, thì ngoài việc làm tốt nhiệm vụ công tác, bản thân cần phải gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, trong đó có phát triển kinh tế gia đình.

Từ những năm 2000, sau khi học nghề thủ công mỹ nghệ, chị đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp,truyền nghề cho hội viên, để tạo việc làm cho chị em không có cơ hội đi làm công nhân hoặc làm tranh thủ lúc nông nhàn. Đến nay, sau hơn 15 năm hoạt động, Hợp tác xã đã tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động ở địa phương, lợi nhuận đạt hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

150.jpg

Chị Nguyễn Thị Vinh, Giám đốc Hợp tác xã TTCN Minh Thọ, thị trấn Nông Cống, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa: Bản thân tôi luôn nghĩ phải giữ được chữ tín với khách hàng và cả người lao động. Nếu mình không có uy tín, không đảm bảo số lượng, chất lượng theo hợp đồng ký kết thì sẽ không thể duy trì được việc sản xuất. Đối với người lao động thì phải đảm bảo ngày công lao động, dù bất kỳ hoàn cảnh nào thì cũng phải tạo việc làm ổn định cho họ thì việc sản xuất mới duy trì được.

Từ ý tưởng ban đầu là chủ động làm nước ép trái cây để phục vụ trong gia đình,  năm 2017, chị Lê Thị Ngọc ở phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn đã quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất nước ép trái cây thành sản phẩm thương mại phục vụ cho thị trường.

151.jpg

Để chủ động nguồn nguyên liệu, ngoài liên kết sản xuất với các hộ trồng nho tại tỉnh Ninh Thuận và mận tại huyện Mường Lát- Thanh Hóa, chị đã nhập giống dâu Đài Loan về trồng với diện tích hơn 3 ha tại phường Hải Lĩnh. Năm 2021, rượu dâu và nước cốt trái cây do chị Ngọc sản xuất đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, thị trường tiêu thụ được mở rộng trong toàn tỉnh và vươn ra ngoài tỉnh. Dự kiến năm 2022 này, cơ sở sản xuất của gia đình chị Ngọc đưa ra thị trường khoảng 20 nghìn lít nước cốt và rượu trái cây các loại.

Khi tham gia đảm nhận vai trò làm chủ doanh nghiệp, làm chủ kinh tế  gia đình, người phụ nữ thường phải nỗ lực gấp đôi vì đồng thời còn phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ. Nhưng với khát vọng vươn lên cùng sự tự tin, nhiều chị em phụ nữ đã và đang khẳng định vai trò quan trọng của mình trong phát triển kinh tế gia đình và xã hội.

152.jpg

Trong số khoảng 20 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động của Thanh Hóa, có khoảng 4000 doanh nghiệp do phụ nữ quản lý.Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng chục nghìn phụ nữ làm chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại, hợp tác xã, câu lạc bộ phát triển kinh tế...Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, linh hoạt thích ứng với yêu cầu của thị trường, khẳng định được uy tín, chất lượng, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Các hoạt động hỗ trợ, nâng cao năng lực, kiến thức để phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế  trong phát triển kinh tế-xã hội luôn được các cấp Hội phụ nữ coi trọng.

153.jpg

Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa: Cùng với việc hỗ trợ chị em về nguồn vốn chúng tôi cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ, nâng cao kiến thức cho chị em thông qua các lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh, sáng tạo trong sản xuất. Đặc biệt là giúp chị em tiếp cận với công nghệ thông tin, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức nhiều hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mô hình, từ đó chị em có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tự tin hơn trong sản xuất kinh doanh.

Người phụ nữ “công – dung – ngôn – hạnh” trong xã hội xưa, người phụ nữ  Việt Nam “kiên cường – bất khuất – trung hậu – đảm đang” thời kỳ kháng chiến kiến quốc, hay người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới “tự tin – tự trọng – trung hậu – đảm đang”. Đó luôn là những phẩm chất tốt đẹp, những giá trị mà người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thanh Hóa nói riêng luôn hướng tới, đồng thời cũng là sự khẳng định của toàn xã hội đối với vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của chị em phụ nữ, “một nửa” tươi đẹp của thế giới./. 

Nguồn: truyenhinhthanhhoa.vn

Thống kê truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
156265