KHƠI NGUỒN SÁNG TẠO, KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG
Đăng lúc: 09:20:40 20/12/2018 (GMT+7)
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đã và đang trở thành chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo việc làm trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện phong trào này, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ đã tiếp tục khẳng định vị thế trong gia đình, xã hội với những ý tưởng, dự án khởi nghiệp khá mạnh dạn trên các lĩnh vực. Bên cạnh sự đóng góp, nỗ lực của hội viên, Câu lạc bộ Nữ doanh nhân cũng đã ủng hộ tích cực để giải quyết việc làm, hỗ trợ phụ nữ nghèo khởi nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhằm giúp phụ nữ Thanh Hóa chủ động phát huy lợi thế và tiềm năng phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh và tạo điều kiện cho phụ nữ đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đề ra chỉ tiêu: “Hàng năm, các cấp Hội phối hợp với các ngành nghề tổ chức dạy nghề cho 5.000 lao động nữ trở lên. Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh tổ chức dạy nghề ít nhất cho 500 lao động nữ, trong đó 80% trở lên chị em tạo được việc làm sau học nghề. Mỗi năm hỗ trợ 100 phụ nữ trở lên khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Phấn đấu mỗi huyện thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả ít nhất 1 hợp tác xã hoặc 5 tổ liên kết; trong nhiệm kỳ, toàn tỉnh thành lập 20 hợp tác xã trở lên”.
Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh thăm quan gian hàng trưng bày
tại "Ngày phụ nữ sáng tạo năm 2017" do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
tại "Ngày phụ nữ sáng tạo năm 2017" do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Để giúp cho các cấp Hội thực hiện được mục tiêu đề ra, trên cơ sở Quyết định thực hiện đề án số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 -2025”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 -2025” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là căn cứ khơi nguồn cho phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, góp phần thực hiện các chỉ tiêu của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đề ra.
Với mục tiêu là nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, góp phần thực hiện Mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, từ đó tiếp tục thắp lên ước mơ, khát vọng, các ý tưởng khởi nghiệp của hội viên phụ nữ; tổ chức tư vấn, tuyên truyền, vận động hộ gia đình thành lập doanh nghiệp; cung cấp thông tin về những quyền và lợi ích khi thành lập doanh nghiệp; cung cấp gói hỗ trợ của tỉnh, của địa phương cho các doanh nghiệp mới...
Trong định hướng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, các cấp Hội khuyến khích hội viên, phụ nữ thành thị sẽ thực hiện các ý tưởng kinh doanh phù hợp với điều kiện và tuân thủ quy định pháp luật như: làm chủ các dịch vụ kinh doanh, thương mại như siêu thị, doanh nghiệp tư nhân xăng dầu, du lịch, cửa hàng tạp hóa, mỹ phẩm, khai thác tiềm năng du lịch ở những nơi có điều kiện…Phụ nữ nông thôn ngoài các dịch vụ như vùng thành thị nhưng có thể quy mô nhỏ hơn phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo hướng liên kết để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm như: miến gạo, nước mắm, rau an toàn, bưởi diễn, dưa kim lê hoàng hậu, ổi lê... tạo ra các sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bán ra thị trường để tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Đồng hành cùng hội viên, tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, với phương châm “trao cần câu hơn xâu cá” giúp phụ nữ xóa bỏ tâm lý tự ti, trông chờ mà cần mạnh dạn, tự tin tìm hướng đi thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu đóng góp nhiều hơn cho xã hội, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ giúp nhau bằng nhiều hình thức như: hỗ trợ cây giống, con giống, cho vay không tính lãi; trao bò cái sinh sản thông qua mô hình “Ngân hàng Bò” chủ động khai thác các nguồn vốn; hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế hiệu quả, các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ kiên kết; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; giới thiệu việc làm cho phụ nữ nghèo… Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được 212 mô hình tại 27 huyện/thị/thành Hội, trong đó có 41 Hợp tác xã, 171 tổ liên kết, tổ hợp tác thu hút trên 3.000 thành viên tham gia. Qua các mô hình trên, nhiều hội viên, phụ nữ cơ sở đã thể hiện ý chí tự chủ, mạnh dạn và năng động, sáng tạo trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, trong những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hàng nghìn tấm gương phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi, có thu nhập hằng năm trên 200 triệu đồng. Từ khởi nghiệp thành công, nhiều chị em đã hỗ trợ tạo việc làm, giúp phụ nữ thoát nghèo và tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện.
Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa trao bò sinh sản cho phụ nữ nghèo
xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn năm 2018.
xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn năm 2018.
Nhằm giúp hội viên kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức “Ngày phụ nữ sáng tạo” gắn với chủ đề hàng năm thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia với những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo, giúp chị em cải thiện môi trường, chất lượng cuộc sống, qua đó khơi dậy tiềm năng, khuyến khích tinh thần sáng tạo, tự lực của chị em trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Các cấp Hội chỉ đạo xây dựng Gian hàng giới thiệu sản phẩm sau học nghề tại các địa phương trong tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng của hội viên, phụ nữ đến với người tiêu dùng. Hiện nay Hội LHPN các cấp đã xây dựng được gần 20 gian hàng bán và giới thiệu sản phẩm an toàn trên địa bàn toàn tỉnh.
Mặt khác, để giúp chị em mạnh dạn, tự tin phát triển kinh tế, kinh doanh và khởi nghiệp để không ai bị bỏ lại phía trong quá trình phát triển, các cấp Hội đã vận động, khai thác và quản lý các nguồn vốn vay với dư nợ hiện có 7.489.592 triệu đồng cho 214.870 lượt phụ nữ vay phát triển kinh tế; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho phụ nữ, gắn kết chặt chẽ với việc giới thiệu, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nữ. Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh, các huyện, thành, thị đã nắm bắt nhu cầu thị trường lao động, tuyên truyền, tư vấn học nghề, liên kết dạy nghề mới, nghề truyền thống, nghề phi nông nghiệp, xây dựng mô hình giải quyết việc làm tại chỗ sau học nghề. Chỉ tính riêng trong 3 năm, đã có 226.826 lượt hội viên, phụ nữ được chuyển giao KHKT, 13.170 lao động nữ được đào tạo nghề (trong đó, Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh tổ chức 70 lớp sơ cấp các nghề cho 2.090 phụ nữ) góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nông thôn và 80% chị em phụ nữ sau học nghề tự tạo việc làm hoặc tìm kiếm được việc làm, có thu nhập ổn định.
Cùng với đó, cấp Hội phụ nữ tiếp tục quan tâm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh, nâng cao chất lượng hoạt động Hiệp hội Doanh nhân nữ, các câu lạc bộ Nữ doanh nhân. Đến nay, các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ 175 hộ phụ nữ khởi sự kinh doanh, thành lập được 14 CLB Doanh nghiệp nữ, thu hút hơn 500 nữ chủ doanh nghiệp tham gia. Thanh Hoá cũng là tỉnh đi đầu trong cả nước về thành lập và hỗ trợ Hiệp Hội Doanh nghiệp nữ hoạt động có hiệu quả nhằm phát huy tài năng, sức sáng tạo của nữ chủ Doanh nghiệp, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm đã tác động không nhỏ đến phát triển sản xuất kinh doanh, song với sự năng động, sáng tạo, nhạy bén, linh hoạt và kiên trì của các chị doanh nghiệp, cùng với sự quan tâm, ủng hộ, động viên của các cấp, các ngành đặc biệt là Hội phụ nữ định hướng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nữ vẫn tiếp tục phát triển, góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chủ trường “Người Thanh Hóa ưu tiên dùng hàng do doanh nghiệp ở Thanh Hóa sản xuất”, xứng đáng là những bông hồng vàng thời kỳ đổi mới.
Thời gian tới, để tiếp tục tạo nên sức mạnh tổng thể khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh, hiện thực hóa Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành thì các cấp Hội phụ nữ cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp; thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế -văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm huy động nội lực của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh giúp nhau khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tiếp cận các dịch vụ, nguồn lực, tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, nguồn Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của tỉnh; tổ chức các hoạt động tôn vinh, bình chọn và nhân rộng các ý tưởng, mô hình kinh doanh, khởi nghiệp thành công. Đối với hội viên phụ nữ, cần chủ động tích cực học hỏi, tự tin đổi mới, chấp nhận sự thay đổi để tạo ra sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn sức khỏe cho cộng đồng.
Tổ hợp tác sản xuất miến gạo sạch xã Quý Lộc, huyện Yên Định
tạo việc làm thêm cho 12 lao động với thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng.
tạo việc làm thêm cho 12 lao động với thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng.
Có thể nói, phong trào đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp như luồng gió mới khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong chị em. Hầu như ở địa phương nào từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, ở đâu cũng đều có những điển hình phụ nữ không ngừng vượt khó vươn lên, làm giàu chính đáng, có tấm lòng nhân hậu, quan tâm đến lợi ích xã hội, cộng đồng. Mỗi người một ý tưởng, cách khởi nghiệp, phát triển kinh tế khác nhau nhưng sẵn sàng góp công, góp sức để quê hương ngày càng phát triển.
Phạm Thị Thanh Thủy
Tỉnh ủy viên, Đại biểu Quốc hội khóa XIV
Ủy viên BCH Hội LHPNVN, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh