date
  • Cả cuộc đời của người phụ nữ là một bài lịch sử về những yêu thương.(Washington Irving)
  • Nếu phụ nữ không hiện hữu, tất cả tiền bạc trên thế giới đều vô nghĩa.(Aristotle onassis)
  • Mỗi người đàn bà đều có một nét quyến rũ kỳ bí, nếu họ không kiêu hãnh và bướng bỉnh.(Joanna Ballie)
  • Phụ nữ Thanh Hóa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Khởi nghiệp - hiện thực hóa giấc mơ bằng những nỗ lực của bản thân

Đăng lúc: 08:05:41 26/10/2020 (GMT+7)

Trước đây, trong cách nhìn nhận của nhiều người, khởi nghiệp là điều gì đó có phần xa xôi, chỉ dành cho những người có điều kiện kinh tế với nguồn vốn tương đối ban đầu, có kiến thức, am hiểu về lĩnh vực định khởi nghiệp cùng những kỹ năng mềm trong kinh doanh, mối quan hệ xã hội rộng và những điều kiện cần thiết khác.

11.jpg
Mô hình trồng cây dược liệu của vợ chồng chị Lê Thị Nước,
xã Đông Hoàng (Đông Sơn) cho thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, thực tiễn khởi nghiệp và đã có những thành công của nhiều người không phân biệt giới tính, lứa tuổi, vùng miền đã chứng minh mọi thứ không phải hoàn toàn như vậy. Đã có những trường hợp khởi nghiệp thành công từ nguồn vốn ban đầu bằng không, mà chị Lê Thị Nước, thôn Thọ Phật, xã Đông Hoàng (Đông Sơn) là một ví dụ.
Sau nhiều năm làm trang trại chăn nuôi không hiệu quả, nguồn thu không có, năm 2014, vợ chồng chị Nước quyết tâm chuyển sang trồng thí điểm cây dược liệu, chủ yếu là cà gai leo và kim ngân, sau đó mới mở rộng diện tích. Quá trình làm vẫn gặp không ít khó khăn do cây chết, sâu bệnh, cây đẻ nhánh ít... Vừa làm vừa tích lũy, học hỏi kinh nghiệm, đến nay gia đình chị có 2 ha cây dược liệu cho thu nhập trung bình mỗi sào đạt 20 - 30 triệu đồng/năm. Ngoài bán sản phẩm thô, gia đình chị còn đầu tư dây chuyền nấu cao các sản phẩm dược liệu, trong đó sản phẩm cao cà gai leo được Hội LHPN huyện Đông Sơn hỗ trợ làm tem nhãn truy xuất nguồn gốc đã có thị trường tiêu thụ ổn định. Từ mô hình nhà chị Nước, nhiều hộ trong xã cũng chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu đạt hiệu quả và được hội LHPN cấp trên hỗ trợ thành lập HTX trồng, chế biến cây dược liệu. Vừa qua, sản phẩm cao cà gai leo của HTX tham dự Hội thi Phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp toàn quốc do Hội LHPN Việt Nam tổ chức và đạt giải “Liên kết sáng tạo gia tăng giá trị cho cộng đồng”.
Ngược lên vùng núi cao xã Trung Xuân (Quan Sơn) tìm hiểu mô hình khởi nghiệp từ cây chè Tán ma của hội viên phụ nữ vùng núi còn nhiều khó khăn. Theo người dân bản địa, tán ma có nghĩa là khách quý đến. Ý nói đây là sản phẩm được sử dụng để tiếp đón khách quý. Tuy nhiên, do chưa phát triển thành sản phẩm hàng hóa nên nhiều diện tích chè không được chăm sóc đã dần mai một. Năm 2019, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Hội LHPN xã Trung Xuân hỗ trợ thành lập nhóm hộ sản xuất chè Tán ma do phụ nữ làm chủ với 24 thành viên, tổng diện tích 2 ha và được tuyên truyền, hướng dẫn chăm sóc chè để tăng năng suất. Khác với trước đây các hộ mạnh ai nấy làm, thì nay, các hộ được hỗ trợ tập huấn kiến thức, liên kết cùng nhau phát triển, tiêu thụ sản phẩm và tăng giá trị thu nhập nên nhiều thành viên rất phấn khởi, hào hứng sản xuất. Mỗi tháng, các thành viên trong nhóm chế biến và cung ứng ra thị trường được từ 80 - 100 kg chè tán ma khô, với giá bán 200 ngàn đồng/kg. Bà Phạm Thị Cán, trưởng nhóm chè Tán ma do phụ nữ làm chủ xã Trung Xuân, cho biết: Chúng tôi mong được hỗ trợ mở rộng thêm diện tích, tăng thu nhập để xây dựng chè Tán ma thành sản phẩm OCOP, chúng tôi cần có sự hỗ trợ để mở rộng vùng sản xuất tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tem nhãn, tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm.
Đây là hai trong số rất nhiều sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ trong tỉnh những năm gần đây. Sản phẩm được người tiêu dùng, ngành chức năng đánh giá cao bởi ý tưởng sáng tạo, sản phẩm chất lượng và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Khởi nghiệp đã và đang trở thành làn sóng mạnh, mang theo khát vọng của biết bao người phụ nữ vốn được coi là “phái yếu”. Chặng đường không “rải hoa hồng” và luôn ẩn chứa nhiều khó khăn, thách thức này không làm các chị nản chí, ngay cả khi thất bại, các chị vẫn đứng dậy để tiếp tục hiện thực ý tưởng sáng tạo của mình và nuôi dưỡng nó. Đây chính là chìa khóa quan trọng để giấc mơ khởi nghiệp trở thành hiện thực. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp hội khảo sát các gia đình phụ nữ kinh doanh cá thể tại địa phương, vận động, tư vấn, hỗ trợ gia đình thành lập doanh nghiệp. Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ 1.800 hộ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, hỗ trợ thành lập mới 480 doanh nghiệp do nữ làm chủ. Các mô hình khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh đã phát triển đa dạng trên mọi lĩnh vực kinh tế, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nữ, đồng thời ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong phát triển kinh tế của địa phương.
Nếu sáng tạo là tài nguyên mới để khởi nghiệp thì khởi nghiệp là động lực đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa những ước mơ và hoài bão của mình. Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, miễn là nó tạo cho bạn sống với ước mơ của mình và tạo ra giá trị cho xã hội. Do vậy khởi nghiệp cần phải đảm bảo một số yêu cầu “cứng” là phải có ý chí, bản lĩnh, khát vọng, sự kiên trì, cầu thị, ham học hỏi, biết được thế mạnh của bản thân, nhạy bén tìm hiểu thị trường... và cũng cần có sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể kích cầu, tạo động lực.
 Báo Thanh Hóa

Thống kê truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
156265