date
  • Cả cuộc đời của người phụ nữ là một bài lịch sử về những yêu thương.(Washington Irving)
  • Nếu phụ nữ không hiện hữu, tất cả tiền bạc trên thế giới đều vô nghĩa.(Aristotle onassis)
  • Mỗi người đàn bà đều có một nét quyến rũ kỳ bí, nếu họ không kiêu hãnh và bướng bỉnh.(Joanna Ballie)
  • Phụ nữ Thanh Hóa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Khẳng định vai trò trong cộng đồng của phụ nữ dân tộc thiểu số

Đăng lúc: 00:00:00 30/08/2024 (GMT+7)

z5778672717878_e89a2e8bf61671a16bf8ea02bc296069.jpg

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá Ngô Thị Hồng Hảo (bìa trái) cùng các phụ nữ DTTS tiêu biểu tỉnh Thanh Hoá

Trong bối cảnh vùng miền núi với những điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội tại địa phương.

Nhiều thách thức với phụ nữ dân tộc thiểu số

Tỉnh Thanh Hóa, một trong những tỉnh lớn và đông dân nhất Việt Nam, có địa hình phức tạp, với phần lớn diện tích là vùng núi và trung du. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cùng với sự hạn chế về cơ sở hạ tầng, đã đặt ra nhiều thách thức cho cuộc sống của người dân, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Ở các cộng đồng dân tộc thiểu số, phụ nữ không chỉ là người quán xuyến công việc nội trợ, chăm sóc con cái mà còn trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thủ công mỹ nghệ. Họ thường là những người đảm nhiệm việc trồng trọt trên các thửa ruộng bậc thang, chăm sóc rừng, và tham gia vào các công việc thủ công như dệt vải, làm đồ gốm, hoặc chế biến sản phẩm từ cây dược liệu. Tuy nhiên, vai trò truyền thống này đi kèm với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt là trong việc tiếp cận giáo dục, y tế và các cơ hội phát triển kinh tế.

Theo bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá, trước đây, do điều kiện địa lý khó khăn, cơ sở vật chất còn hạn chế nên chị em ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu tiếp cận với các phương tiện truyền thông, Internet và các nguồn thông tin hiện đại. Điều này dẫn đến việc phụ nữ dân tộc thiểu số thiếu kiến thức về các chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước cũng như thiếu các kỹ năng cần thiết để tham gia vào nền kinh tế thị trường hiện đại. 

z5778672698770_99f735692a6f4cec1077ac933a0f953f.jpg

Điều kiện địa lý xa xôi, hiểm trở, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế là một trong những thách thức của phụ nữ vùng đồng bào DTTS và miền núi Thanh Hoá

Cá biệt ở một số nơi, do ảnh hưởng bởi những hủ tục lạc hậu nên một số  em gái phải bỏ học sớm để lấy chồng, giúp đỡ gia đình trong công việc nông nghiệp. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc dinh dưỡng và phòng ngừa bệnh tật của phụ nữ dân tộc thiểu số cũng còn nhiều hạn chế.

Những vấn đề này đặt ra thách thức rất lớn đối việc thay đổi đời sống, kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Những nỗ lực vươn lên và khẳng định vai trò

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá, một trong những giải pháp quan trọng nhất để thay đổi tư duy, nhận thức của các hội viên phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là tích cực vận động, tuyên truyền họ thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Trong những năm qua, Hội LHPN các huyện, đặc biệt là các huyện ở khu vực biên giới, đã phối hợp với các đơn vị Bộ đội Biên phòng đóng trên địa bàn tổ chức nhiều chương trình xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, nhằm nâng cao trình độ học vấn cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Cùng với đó, Hội Phụ nữ cũng tổ chức các lớp học nghề, đặc biệt là các nghề thủ công truyền thống như dệt vải, thêu thùa, làm gốm, đã giúp nhiều phụ nữ có thể tự mình tạo ra thu nhập ổn định.

Chị Thào Thị Mo (xã Tam Chung, huyện Mường Lát), một học viên ngoài 30 tuổi sau 6 tháng tham gia lớp học xoá mù chữ nay đã có thể ghép vần đơn giản, nghe hiểu và nói đủ giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Dù mỗi tối đến lớp đều phải địu theo cậu con trai còn chưa cai sữa, song chị Mo vẫn kiên trì để mong "cái chữ có thể làm thay đổi cuộc đời". Với việc vận động được đông đảo bà con tham gia các lớp xoá mù chữ, công cuộc tuyên truyền chính sách pháp luật của các cán bộ địa phương cũng trở nên thuận lợi hơn.

z5778672708694_9ac885b273a9ac2f6bf5f8453c8ade78.jpg

Hội LHPN huyện Mường Lát phối hợp với các đơn vị Bộ đội Biên phòng trên địa bàn huyện tổ chức lễ bế giảng các lớp học xoá mù chữ trong thời gian qua (từ tháng 2 đến tháng 8/2024)

Cùng với đó, các cấp Hội Phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Thông qua các phong trào như "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế", "Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc", nhiều chị em đã được trang bị kiến thức, kỹ năng và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất.

Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã đề xuất xây dựng và được UBND tỉnh đồng ý tạo điều kiện triển khai thực hiện mô hình Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi tổng hợp do phụ nữ làm chủ tại xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước.  HTX thành lập đã thu hút 63 thành viên tham gia, trong đó có 18 hộ nghèo và 45 hộ cận nghèo. Khi tham gia mô hình, mỗi thành viên là hộ nghèo được hỗ trợ 150 con gà giống, 3 bao thức ăn (75kg); thành viên là hộ cận nghèo được hỗ trợ 140 con gà giống, 1 bao thức ăn (25kg). 

Cùng với đó, các thành viên được tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, bảo đảm chăn nuôi theo chuỗi giá trị an toàn thực phẩm. Các hộ tham gia mô hình tiến hành xây dựng, sửa chữa chuồng trại kiên cố, yêu cầu thoáng mát về mùa hè, giữ ấm về mùa đông và vệ sinh sạch sẽ, có nguồn thức ăn bảo đảm cho con giống sinh trưởng, phát triển tốt. Sự kết nối này không chỉ giúp phụ nữ cải thiện đời sống mà còn nâng cao vai trò, tiếng nói của họ trong gia đình và cộng đồng.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo kỹ năng sống, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, và kỹ năng quản lý tài chính cũng được triển khai rộng rãi. Những chương trình này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của phụ nữ mà còn tạo điều kiện cho họ tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội của cộng đồng một cách tích cực hơn.

z5778672687372_bc80387e10fe0fb3dfb18af1eec0e385.jpg

Trao con giống mô hình “Hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp do phụ nữ làm chủ xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước”

Tương lai và những thách thức cần vượt qua

Dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, phụ nữ dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai. Sự biến đổi khí hậu, tình trạng suy giảm tài nguyên thiên nhiên và sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế-xã hội đòi hỏi họ phải tiếp tục nâng cao năng lực, thích ứng với những thay đổi và chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.

Bên cạnh đó, việc duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa cũng là một thách thức lớn. Những giá trị truyền thống cần được bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ sau, đồng thời kết hợp với những yếu tố hiện đại để tạo nên một nền văn hóa đa dạng, phong phú và phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách giữa cấp ủy, chính quyền với phụ nữ, đảm bảo tiếng nói, sự tham gia thực chất của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội theo hướng thiết thực, chuyên nghiệp, đa dạng hoá hình thức tập hợp, hướng về cơ sở, gắn với các vấn đề thiết thân của phụ nữ cũng như chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, thực hiện hiệu quả công tác cán bộ nữ, đặc biệt là cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số.

Nguồn: phunuvietnam.vn 

Thống kê truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
156265